Học và làm theo Bác Hồ để hoàn thiện bản thân mình
Năm nay, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; đây là một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống chính trị – xã hội của đất nước, trong không khí phấn khởi hào hùng sau 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kể từ Đại thắng mùa Xuân 1975, khát vọng cháy bỏng của Bác Hồ kính yêu “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” đã thành hiện thực.
Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh tư liệu |
Kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ vào dịp toàn Đảng đang tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng – tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2015 – 2020 và 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo, trước mắt là nỗ lực phấn đấu hoàn thành những mục tiêu nhiệm vụ năm 2020, năm có nhiều diễn biến phức tạp do dịch COVID-19 gây ra.
Kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ trong lúc Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.
Trong cuộc đời 79 mùa xuân, cuộc đời vì nước, vì dân “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”, Bác Hồ đã để lại di sản vô cùng quý báu là tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Người.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các đảng bộ đưa vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp gắn với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Học tập và làm theo Bác, nhiều nơi đã tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề dưới nhiều hình thức phù hợp như tọa đàm, giao lưu, đã giúp cho cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vị lãnh tụ thiên tài, một con người vĩ đại mà rất đỗi gần gũi, thân thương. Qua đó, tiếp thêm động lực để không ngừng rèn luyện, nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lề lối tác phong công tác.
Sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả; nhiều điển hình tiên tiến có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh và tăng cường đối ngoại…
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao Bằng khen cho các tập thể điển hình trong học tập và làm theo Bác. Ảnh: Văn Báu |
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành phong trào sâu rộng, thiết thực và thường xuyên, nhiều cấp ủy đã chọn khâu đột phá để thực hiện, như đề cao trách nhiệm nêu gương người đứng đầu cấp ủy, đơn vị; ưu tiên giải quyết những vấn đề trọng tâm, nổi cộm; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình; xây dựng chính quyền liêm chính, minh bạch, kiến tạo, cải cách hành chính… Việc chuẩn bị và thực hiện tốt nội dung và hình thức buổi sinh hoạt dưới cờ sáng thứ Hai hàng tuần mà nhiều cơ quan, đơn vị, khu dân cư tổ chức có ý nghĩa thiết thực, như kể câu chuyện cảm động về Bác và liên hệ bản thân; biểu dương người tốt, việc tốt, khơi dậy phong trào “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, xây dựng cuộc sống văn hóa nơi công sở, đơn vị và địa bàn dân cư.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc; là “cẩm nang” để chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”. Kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được thể hiện ở việc giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, với Tổ quốc và Nhân dân; là thể hiện ở việc rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư… Học Bác là học phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn; làm việc dân chủ, khoa học; ứng xử văn hóa, nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm, sống thanh cao, trong sạch, giản dị, nêu gương…
Bác Hồ từng chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Muốn Đảng mạnh, được Nhân dân tin tưởng, yêu quý, nhất định phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, nhất là chân thành sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót gắn với việc thường xuyên học tập và làm theo gương Bác.
Noi gương Bác, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương về đạo đức, lối sống, gần dân, lắng nghe dân, có trách nhiệm với dân. Một tấm gương sống, một hành động gương mẫu có ý nghĩa hơn nhiều những lời trừu tượng. Nên bắt đầu từ mỗi việc làm cụ thể, mỗi công việc hàng ngày, với tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” như Bác Hồ mong muốn.
(Nguồn : Báo Lâm Đồng)
[related_post]