Ðẩy mạnh xúc tiến, hợp tác, đầu tư, thương mại Lâm Ðồng

Trong 10 năm qua, Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư, Thương mại và Du lịch (TTXTÐT-TM-DL) tỉnh Lâm Ðồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, kế hoạch, phương án và cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương trong các hoạt động xúc tiến và hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường… Ðặc biệt, góp phần quan trọng vào thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh phát triển thương hiệu “Ðà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Với vai trò và nhiệm vụ được giao của mình, những năm qua, TTXTĐT-TM-DL không ngừng nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tổ chức quảng bá và xúc tiến sản phẩm cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, tích cực chủ động phối hợp cùng với các cơ quan liên quan, các địa phương trong tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp triển khai đồng bộ, hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh các hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm, TTXTĐT-TM-DL còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, phân tích thị trường, nghiên cứu xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ thông qua việc triển khai các chương trình thương hiệu quốc gia, cung cấp thông tin thị trường và kết nối giao thương, giới thiệu và kết nối doanh nghiệp thông qua ấn phẩm Dalat Info hàng tháng. Để tạo điều kiện kết nối cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, TTXTĐT-TM-DL đã ký kết chương trình hợp tác với nhiều TTXTĐT-TM-DL trong cả nước nhằm kết nối mạng lưới chia sẻ thông tin xúc tiến đầu tư, kết nối và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên về những kết quả nổi bật trong hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường đẩy mạnh thương hiệu Việt, hàng Việt Nam chất lượng cao, ông Nguyễn Xuân Hùng – Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc phụ trách TTXTĐT-TM-DL Lâm Đồng cho biết: Định kỳ 5 năm và hàng năm TTXTĐT-TM-DL đều phối hợp với các ngành, các địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại và kế hoạch cụ thể trợ giúp doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ trì tổ chức ít nhất hai hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, một hoặc hai hội nghị xúc tiến đầu tư ngoài nước; ít nhất 4 đến 5 đợt xúc tiến thương mại và du lịch bằng nhiều hình thức lồng ghép đa dạng, có chọn lựa theo chủ đề của mỗi đợt. Trọng tâm là xúc tiến những mặt hàng, dịch vụ mà địa phương có lợi thế so sánh so với cả nước và khu vực và những mặt hàng theo chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đưa hàng về nông thôn. TTXTĐT-TM-DL cũng đẩy mạnh các chương trình hợp tác giữa cơ quan xúc tiến của Lâm Đồng với các trung tâm của các địa phương khác một cách chủ động và duy trì thường xuyên theo kế hoạch hàng năm, với những nội dung thiết thực, cụ thể để các doanh nghiệp và nhà đầu tư của mỗi bên có thể triển khai thuận lợi những ý tưởng, chương trình hợp tác với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của các cơ quan chức năng của mỗi địa phương. Hàng năm, TTXTĐT-TM-DL cũng đã tham mưu tổ chức nhiều buổi đối thoại công – tư cấp tỉnh và cấp ngành để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và lấy ý kiến để sửa đổi các qui định không hợp lý, ghi nhận các góp ý của doanh nghiệp về xúc tiến thương mại và đầu tư để hoạt động đầu tư, thương mại ngày càng có hiệu quả hơn.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hàng năm, TTXTĐT-TM-DL cũng đã tổ chức rất nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, xúc tiến du lịch và đã giúp cho hàng ngàn doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác, hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp; khai thác thị trường mới, liên kết các tour, tuyến du lịch.

Thông qua việc tham mưu của TTXTĐT-TM-DL, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong 10 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hơn 500 tỷ đồng  để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp…

Từ các nguồn hỗ trợ này, đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi được công nghệ, kỹ thuật mới, tiếp cận và mở rộng được thị trường xuất khẩu do được cấp giấy chứng nhận VietGAP, Global GAP, HCCP…, và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiến bộ theo chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, sử dụng lao động, trách nhiệm xã hội… Hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ cho một số sản phẩm chủ lực như Rau Đà Lạt, Chè B’Lao, Café Di Linh, Chuối Laba, Cá nước lạnh Đà Lạt, Cồng chiêng Langbiang, Lúa gạo Cát Tiên,…

Trao đổi về việc tiếp tục thúc đẩy xúc tiến hàng hóa và các mặt hàng đặc trưng của Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết thêm: Để người tiêu dùng, xã hội nhìn nhận đúng đắn về vị thế, đạo đức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ công dân đối với xã hội và cộng đồng;  TTXTĐT-TM-DL cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phản biện của các hiệp hội và  đề xuất tổ chức khu vực bán các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng nhằm tránh nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, nhằm hỗ trợ ngày một hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

baolamdong.vn

 

 

 

[related_post]